Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Sông Côn ký sự (Kỳ 9)
(BBĐ) - Sông Hồng nổi tiếng với cá anh vũ, cá lăng, cá mịt... Sông Cửu Long vang danh với cá hô, cá linh, cùng những lồng cá tra, cá ba sa dày đặc. Dù không dài rộng, không tích tụ nhiều phù sa “bằng chị bằng em”, nhưng dòng chảy của sông Côn vẫn chất chứa những sản vật lưu danh.

Xuôi theo sông, để nghe hương vị ngọt ngào lan theo con nước. Một lần lên sõng, đến với sông Côn lúc nửa đêm về sáng, nghe con cá mắc lưới quẫy đuôi vọng hoài nhịp sống...

Kỳ 9: Hương vị của dòng sông

Bấy lâu, trong nhân gian vẫn truyền tai nhau câu chuyện về cá niên, một loại cá sông Côn rất ngon được tiến vua, bởi đó, cá còn có tên là cá “vua”.

Lên xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), gặp bữa cơm chiều, chúng tôi được ông Đinh Xoa, Bí thư Đảng uỷ xã, đãi món cá chiên trông ngon mắt. Khi bữa cơm đã vơi nửa, nghe chúng tôi hỏi về loại cá niên, ông mới cười vang hào sảng, chỉ tay vào đĩa cá: “Đấy! Nó đấy! Cá niên, cá “vua” là đấy!”. Đến lúc đó, chúng tôi mới bật ngửa. Và, nhón đũa gắp thêm miếng cá, chầm chậm bỏ vào miệng để thưởng thức lại hương vị của loài cá quý đầu nguồn sông. Thịt cá dai, vị ngọt, béo mà không ngán.

< Cá niên nướng.

Về hình dáng, cá niên có nét giống cá đối, nhưng thân hình tròn trịa, đẫy đà hơn. Cá niên thường sống nơi đầu nguồn sông Côn, nơi những con suối nhỏ ngày đêm róc rách chảy. Ở những đoạn suối sâu, hay nước chảy mạnh, cá tập trung nhiều. Theo ông Đinh Xoa, trước đây, cá niên sông Côn rất nhiều. Thời tuổi còn đôi mươi, ông Xoa vẫn cùng những người bạn đi câu cá niên. Chiều xuống, ba bốn thanh niên khoẻ mạnh, chặt lồ ô làm tấm bè lớn. Đêm về, họ thả bè, bơi ra giữa sông thả câu.

Trong hành trình dọc sông Côn, chúng tôi được nghe những người câu cá chuyên nghiệp kể về phương pháp câu cá niên khá lạ tai: “câu thụt”. Người câu phải đứng luôn ở đoạn nước chảy mạnh, dùng cần câu chuyển động liên tục để thu hút cá. Mồi khoái khẩu của cá niên là những con bọ đá. Trước những năm 80, mỗi lần ra sông, mỗi người có thể câu được cả gùi cá. Những khi như vậy, để giữ được lâu, họ nướng nguyên con, rồi bỏ vào ống lồ ô cùng với muối, bột ngọt; sau đó, đem ống lồ ô nướng, chắt hết nước, bịt kín, gác lên giàn bếp. Khi cần, cứ đem ống ra, gỡ cá ra ăn. Vào mùa cá niên, thường là tháng giêng, tháng hai, bắt được nhiều, bà con Ba Na còn làm mắm chua ăn dần.

< Đặc sản mắm cá mương.

Càng ngày cá niên sông Côn càng hiếm. Hiện chỉ đến những ngày mùa, người ta mới câu được dăm ba chục con. Giá cá vì thế cũng cao ngất ngưởng, không dưới 200.000 đồng/kg. Ở đoạn sông Côn đầu nguồn ở An Toàn (An Lão) và đoạn chảy qua làng K93 (xã Vĩnh Kim), lại có nhiều cá chình. Cá chình hiện rất có giá trị kinh tế, nhiều thời điểm, giá còn cao hơn cả cá niên.

Theo chỉ dẫn của giới sành ăn, chúng tôi tìm đến quán Mười Diên trên Quốc lộ 19, đoạn gần Nhà máy Đường Bình Định. Đây là quán cơm bình dân, với nhiều món đặc sản cá đồng sông Côn. Mùa nào cá ấy, mỗi buổi sáng sớm, bà Nguyễn Thị Mười, chủ quán, phải đến tận bến hoặc vào đến nhà của những người đi câu để chọn mua cá. Cá trê, cá tràu, cá diếc… sẽ lộng nước, các loại khác thì làm sạch rồi cho vào tủ lạnh. Thường lượng cá mua được chỉ tiêu thụ trong ngày, ít khi còn đến hôm sau, cho nên cá ở đây luôn tươi. Không chỉ có cá, ở quán Mười Diên còn các loại đặc sản sông Côn khác như ốc bươu, cua, ba ba… Song, nổi tiếng nhất ở quán, vẫn là hai món: cá niên nướng và cá chình um. Ngoài ra, quán Mười Diên còn là chế biến các món mắm từ cá sông Côn, trong đó, ngon nhất phải kể đến mắm cá mương, cá trắng và cá sặc.

< Mâm cơm cá đồng sông Côn ở quán Mười Diên.

Vào quán, ta được thưởng thức toàn những món làm từ cá sông Côn. Chúng tôi đã thử một lần dừng chân, thưởng thức bữa cơm trưa với 4 món cá sông Côn. Đó là cá trắng kho nghệ, cá sóc nướng, cá chạch tre nướng, cá diếc nấu lá giác. Ngoài ra, còn có mắm cá sặc. Nhìn mâm cơm toàn cá trông thật hấp dẫn, bắt mắt. Những con cá trắng be bé, thịt hơi bở, quyện với vị nhân nhẫn của nghệ, có sức hấp dẫn riêng. Những con cá chạch tre nướng vàng ươm, hơi dai nhưng thơm. Tuyệt nhất là món canh cá diếc. Nước đậm, vị ngọt béo của cá hoà với chất chua mà không gắt của lá giác. Gắp miếng cá diếc chấm muối ớt, ngậm vào nghe hương vị dòng sông tan trên đầu lưỡi…

Một đêm bắt cá trên sông

Từ trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), đi xe máy về hướng Vĩnh Sơn chừng nửa giờ thì đến bến Đá. Ông Lê Văn Hùng, thường gọi là Hai Hùng, năm nay mới hơn bốn mươi, nhưng đã hơn ba mươi năm gắn bó với bến Đá, sông Côn. Bên sườn núi thoai thoải, ông dựng ngôi nhà tôn nhỏ, một mình thui thủi. Mấy năm gần đây, khi con trai đã lớn, vợ ông mới lên sống cùng. Một lần lên Vĩnh Sơn, chúng tôi ghé nhà ông. Sau chén trà điếu thuốc và dăm ba câu chuyện, ông nhận lời cho chúng tôi theo ra sông bắt cá, nhưng hẹn hôm nào mưa, nước sông dâng lên cao, có nhiều cá, mới khởi hành. Sau ba lần quay đi quay lại, chúng tôi mới đến đúng thời điểm nước sông Côn đoạn qua bến Đá duềnh doàng nước.

< Sáu Lẹ chuẩn bị đèn pin trước khi xuống bến.

Vượt qua cơn mưa tầm tã, chúng tôi đến nơi ông ở khi trời đã sập tối. Ông vừa thăm lưới về, bảo vợ nướng mấy con cá lúi, cá sóc làm cơm đãi khách. Những con cá còn giãy đành đạch, nướng trên lò than đỏ rực, toả mùi thơm thật quyến rũ. Bữa cơm chiều còn có những người bạn chài của Hai Hùng. Đó là Bảy Sanh và người cháu gọi bằng dượng tên Phú, Sáu Lẹ và con trai tên Chiến. Mỗi người đều nhấp một ngụm rượu cho đỡ lạnh. Đến 23 giờ 30 phút, khi mọi người lục đục trở dậy, ai nấy lo chuẩn bị phần việc của mình. Họ thử lại chiếc đèn cải tiến, trông như đèn thợ mỏ, với bốn viên pin con ó cố định bằng những thanh tre. Tất cả mặc áo mưa, đội mũ rộng vành. Sáu Lẹ giải thích, rằng phải làm vậy bởi mấy hôm nay, tối nào trời cũng mưa, nước quất vào mặt đau rát. Mỗi người mang theo một thùng đá, tiến về bến Đá. Đêm ba mươi, trời tối đen như mực. Đường đi là con dốc đá, nước chảy lồi lõm. Những ánh đèn pin loang loáng trong đêm...
Xuống bến, mỗi người lên một chiếc sõng (loại xuồng nhỏ, bề ngang khoảng 1m, chiều dài chừng 5 đến 6m). Bến Đá vang lên những tiếng lóc tóc. Từng chiếc sõng rời bến. Lúc này đồng hồ vừa điểm 0 giờ. Dulichgo

Tôi được Hai Hùng cho ngồi cùng sõng. Ông dặn phải ngồi giữa sõng, ngay ngắn và không được nghiêng ngó lung tung, nếu không muốn… làm mồi cho cá sông Côn. Khi những chiếc sõng chênh chao đã tiến ra giữa sông, ánh đèn bắt đầu toả về các ngả, để đi thăm lưới của mình. Chẳng là, vào những ngày nước sông Côn lên cao, những người bắt cá đã đem lưới giăng trên sông. Mỗi người vài chục tấm lưới, lớn có, nhỏ có; mỗi tấm dài tầm ba chục mét.


< Trở về bến Đá lúc gần sáng.

Mỗi người tự chọn cho mình một khu vực thả lưới riêng, rồi dựa vào phao cái để nhận ra lưới của mình. Thường một ngày họ thăm lưới hai lần, siêng thì ba lần, còn những ngày mưa lớn thì chỉ một lần. Mỗi lần thăm lưới không dưới ba tiếng. Lần thăm lưới quan trọng nhất là giữa đêm, vì để có cá kịp cho phiên chợ sớm. Nhưng lần thăm lưới vào khoảng 8, 9 giờ sáng thì mới có nhiều cá lớn, bởi chúng chỉ đi ăn vào tầm gần sáng.

Đêm đã về khuya, hơi nước sông toả lên lạnh ngắt. Bơi chừng được nửa giờ, chúng tôi đến tấm lưới đầu tiên. Hai Hùng, tay phải cầm chèo bơi, tay trái giở lưới. Đã qua ba tấm lưới mà tịnh không thấy một bóng cá nào. Hai Hùng thất vọng: “Sao không có con cá nào hết vầy?”, rồi hướng về một ánh đèn loang loáng phía xa, hỏi lớn: “Có gì không anh Sáu?”. Tiếng của Sáu Lẹ vọng lại: “Không có gì hết. Tối nay sao vầy hổng biết!”.

Hai Hùng dừng chèo, châm điếu thuốc. Chiếc sõng quay chầm chậm. Đến tấm lưới thứ tư, bắt đầu có cá dính lưới. Sau đó, mật độ cá dính dày hơn. Những lúc ngơi tay, nghỉ giữa những hai lần thử lưới, Hai Hùng lại đốt thuốc. Ông bảo, ngày nào cũng chỉ ngủ được vài giờ, ra sông mà không đốt thuốc không chịu nổi, mắt cứ díp cả lại. Hơn hai giờ, sương mù bắt đầu bao phủ khắp mặt sông, nghe hơi lạnh lan toả khắp không gian. Văng vẳng trên sông tiếng hát trong trẻo của Chiến - chàng trai năm nay mới mười bảy. “Nó hát cho đỡ buồn ngủ đó!”- Hai Hùng cười. Bốn con rô phi cỡ bàn tay cùng mắt lưới. Hai Hùng bảo, cá được nhiều hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phán đoán, kinh nghiệm của người giăng lưới. Có khi, chỉ cần vài tấm lưới giăng ở một vị trí “độc”, cá mắc lưới gỡ mỏi tay.

< Bắt cá trên hồ Định Bình.

Sau khi thăm hết lượt, Hai Hùng quay mái chèo, khua nước đưa sõng trở về. Các bạn chài khác cũng lục đục vào bến. Họ bắt cá từ sõng cho vào thùng đá. Đêm ấy, chàng trai tên Phú được nhiều cá nhất, đâu chừng hơn 20 ký, đủ loại từ rô phi, diếc, sóc, mương… Anh bảo, nhờ lúc chiều chú Hùng chỉ cho một hốc đá, anh giăng bốn tấm, cá mắc dày đặc.
Mọi người neo sõng vào bờ, đưa cá lên bến. Về tới nhà, vợ Hai Hùng chờ sẵn, đổ cá ra giỏ xe, chở đi chợ Định Bình. Chúng tôi rửa chân tay, và lại… leo lên võng. Đồng hồ chỉ bốn giờ sáng…

Trong lần thứ hai trở lại bến Đá, trên đường đi, tình cờ chúng tôi được chứng kiến cảnh bắt cá ở chân đập thuỷ lợi Định Bình. Cả trăm con người chen chúc thả lưới trên một khúc sông chừng ba trăm mét. Những người bắt cá ở đây cho biết, mỗi lần đập Định Bình chặn lại khi đang xả lũ, có rất nhiều cá lớn tập trung dưới chân đập và người dân quanh vùng lại bảo nhau kéo đến thả lưới. Mỗi người bắt được chục con cá chép, cá rô phi, nặng gần bốn ký là chuyện thường. Song, những dịp trời cho như thế không nhiều, một năm chỉ đôi ba lần…

Rau vãi: đặc sản thượng nguồn

< Rau vãi: một đặc sản thượng nguồn.

Lên xã Vĩnh Sơn, chúng tôi được thưởng thức một loại rau cải lạ, bà con Ba Na gọi là “Hla h’bay” (rau vãi). Đó là một loại cải cay, lá xanh đậm, hình dáng hơi khác lá cải bình thường. Lá hình bầu, cuống dài, màu đỏ tía. Đặc biệt, loại cải này có vị cay nồng, rất gần với vị của mù  tạt (một thứ gia vị thường dùng khi ăn gỏi).
Ông Đinh Xoa cho biết, loại cải này mọc rất nhiều ven bờ sông Côn, thường là tự sinh sôi và phát triển, hiếm khi có bàn tay chăm sóc của con người. Ở nhà ông, chỉ có vài bụi mọc ven vách nhà, nhưng cây rất xanh. Rau cải hái có thể nấu canh, ăn sống hoặc dùng để cuốn cá, thịt. Đặc biệt, loại cải này cuốn cá niên rất ngon.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12 - Kỳ 13 - Kỳ 14

Theo Viết Thọ-Hoài Thu-Văn Trang (Báo Bình Định)
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply