Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Nhà cổ ở Lý Sơn
Hiện trên đảo Lý Sơn còn khoảng 24 ngôi nhà cổ có tuổi thọ từ 150 – 200 năm tuổi, được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả kiểu dáng và kiến trúc cổ xưa. Đây là những bảo tàng thu nhỏ, "nhân chứng sống" về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

< Ngôi nhà cổ gần 200 năm của gia tộc họ Dương ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Hệ thống nhà cổ ở Lý Sơn rất độc đáo, mang đặc trưng của một làng nông chài của những người dân miệt mài bám biển, góp phần thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Vì thế, mỗi ngôi nhà đều thấp thoáng bóng dáng của những đội “hùng binh Hoàng Sa”.  

< Nhà được xây dựng theo kiến trúc thuần Việt với nhà ba gian. Ngôi nhà còn gần như nguyên vẹn từng kết cấu cho đến chi tiết nhỏ.

Đến đất đảo, được thả mình vào không gian nhà cổ trong lòng bỗng bồi hồi, dậy lên tình yêu biển đảo. Tuy phải đối mặt với những trận bão tố, cuồng phong nhưng những ngôi nhà cổ trên đảo vẫn sừng sững hiên ngang giống như những binh thuyền của đội Hoàng Sa thuở trước phải vượt qua muôn trùng biển khơi để đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thực thi nhiệm vụ. Dulichgo

< Căn nhà sở hữu những chi tiết chạm khắc Rồng, Phụng tinh xảo.

Ông Dương Định, hậu duệ đời thứ 7, tộc họ Dương, ở thôn Tây xã An Hải, chủ nhân ngôi nhà cổ có niên đại trên 150 năm tuổi cho biết, hầu hết các nhà cổ ở đảo Lý Sơn là nhà thờ của các tộc họ gắn liền với sự tồn tại của đội binh Hoàng Sa thuở nào.

Từ những ngày đầu khai phá hòn đảo hoang sơ này, tiền nhân của ông đã mua gỗ, thuê thợ từ đất liền ra đảo, làm nhà theo kiến trúc kiểu nhà rường đắp đất.

< Chi tiết cột kèo giao long.

Với hệ thống cột kèo “rau muống” chạm hình rồng hoặc đầu chim phụng và các hoành phi câu đối chạm khắc công phu. Nhà rường là theo cách gọi của từng vùng, có nơi gọi là nhà mái. Còn đắp đất là vì tiền nhân đã đắp thêm một lớp đất giữa hai mái để giảm bớt bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, giúp ngôi nhà luôn thoáng đãng vào mùa hè và cũng ấm hơn trong mùa đông.

< Căn nhà cổ của tộc họ Nguyễn ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn có niên đại hơn 200 năm.

“Để giữ được nguyên trạng cấu trúc ngôi nhà cổ của tiền nhân, mỗi năm tôi phải đầu tư hàng chục triệu đồng để tu sửa, chỉnh trang những chỗ hư hỏng, mình là lớp hậu sinh con cháu nên phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những gì ông bà tổ tiên để lại”. Ông Định tâm sự.

< Gian nhà chính của căn nhà này có nhiều cửa gỗ, kèo, cột gắn kết chặt với nhau. Chủ nhà đã mời thợ mộc Kim Bồng (Quảng Nam) và thợ chạm, cẩn xà cừ (Thừa Thiên Huế) vào Lý Sơn để làm trong 5-6 tháng.

Nếu như ở những nơi khác, người xưa dùng đất đào ở những chân ruộng, trộn lẫn với rơm hay cây cau chẻ nhỏ rồi trét lên mái, thì ở Lý Sơn, chất liệu này được thay thế bằng cây cỏ đế hoặc là rơm rạ chở từ đất liền ra để đắp lên mái nhà. Kiểu thiết kế này vừa phù hợp với thời tiết khắc nghiệt trên đảo và cũng phòng tránh được hỏa hoạn. Dulichgo

Cụ Võ Hiển Đạt, 85 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, hiện là chủ nhân ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi cho biết, cụ đã gắn bó với ngôi nhà này hơn 80 năm và đã làm hết sức mình để gìn giữ bảo tồn ngôi nhà cho đến ngày nay, gần như toàn bộ ngôi nhà cổ của cụ Đạt được làm bằng gỗ mít. 

< Hầu hết các nhà cổ ở đảo Lý Sơn là nhà thờ của các tộc họ. Kiến trúc nhà rường có ba gian thờ được chạm khắc, trang trí với nhiều hoành phi, liễn đối rực rỡ. Hàng năm, tại các nhà thờ tộc họ này diễn ra lễ tế tri ân công đức tổ tiên giong buồm ra biển Đông cắm cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa.

Trong nhà trang trí rất nhiều hoành phi, câu đối, nói về công đức của các vị tiền hiền của dòng họ, đã có công tham gia khai phá và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo cụ Đạt, ngôi nhà cổ của Cụ hiện đang sở hữu vừa là nơi để ở, vừa cũng là nơi thờ tự tổ tiên và những người con của dòng họ năm xưa đã tham gia vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ngoài ngôi nhà, cụ Võ Hiển Đạt còn lưu giữ được nhiều đồ thờ cúng từ xa xưa do tổ tiên để lại. Với cụ Đạt, ngôi nhà là báu vật của tiền nhân, chính vì vậy cụ Đạt luôn nhắc nhở con cháu lưu tâm gìn giữ.

< Gia đình ông Lê Lý (thôn Đông, xã An Hải) đang sống trong căn nhà cổ hơn 150 năm dựng trên 42 cột. Trước đây, căn nhà có mái lợp bằng cỏ tranh nhưng vật liệu này ngày càng ít dần nên gia đình ông lợp mái bằng ngói đất. Ông Lý cho rằng, sống ở nhà cổ nhiệt độ luôn hài hòa (mùa nắng thì mát, mùa đông thì ấm áp), không gian yên tĩnh.

Còn ngôi nhà cổ của gia tộc họ Nguyễn, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, ngôi nhà cổ này có niên đại tới hơn 200 năm tuổi, với thiết kế ba gian. Hệ thống kèo, cột gắn kết chặt với nhau theo kiến trúc nhà rường phổ biến trên đảo Lý Sơn lúc bấy giờ, tạo cho ngôi nhà sự uy nghi, vững chắc trước gió bão của vùng biển đảo.

< Hoa văn chạm khắc "Ngựa hóa Rồng" trên cửa gỗ ở nhà cổ của ông Dương Pháp (thôn Tây).

Theo hậu duệ của tộc họ Nguyễn là ông Nguyễn Từ, chỉ riêng hệ thống cửa và hoành phi, liễn đối,… tiền nhân ông bà của dòng họ đã phải vào tận đất liền để mời thợ mộc Kim Bồng (Quảng Nam) và thợ chạm, cẩn xà cừ từ Thừa Thiên Huế ra Lý Sơn để làm ròng rã hơn một năm trời.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, hệ thống nhà cổ ở đảo Lý Sơn có niên đại 150 đến hơn 200 năm. Do không ảnh hưởng bởi chiến tranh, ý thức bảo tồn của cư dân đảo khá tốt nên hệ thống nhà cổ nơi đây còn giữ kiến trúc khá nguyên vẹn.

< Không gian nhà cổ của ông Phạm Thoại Tuyền - Hậu duệ đời thứ năm của Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ở thôn Đông, xã An Vĩnh lưu giữ nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Vốn quý nhất trong lòng nhà cổ là chứa đựng số lượng lớn các văn bản Hán Nôm, hiện vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Hệ thống nhà cổ Lý Sơn là di sản văn hóa có giá trị đặc biệt, là bảo tàng sống động về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa không gì có thể chối cãi được.

Hiện tại, những ngôi nhà cổ trên đảo Lý Sơn được dùng làm nơi thờ cúng của các tộc họ. Hàng năm, tại đây thường diễn ra lễ tế, tri ân công đức tổ tiên những người đã giong buồm ra Biển Đông vượt qua muôn trùng sóng gió để đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền theo lệnh triều Nguyễn năm xưa. Dulichgo

< Bức tranh cổ niên đại 150 đến hơn 200 năm ở nhà ông Dương Pháp (thôn Tây, xã An Hải).

Ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, nhà cổ ở Lý Sơn có từ khoảng thế kỷ 17-18, mang phong cách kiến trúc thuần Việt, theo lối kiến trúc miền trung trung bộ; các hoạ tiết, hoa văn theo kiểu trạm trổ tứ linh long, lân, quy phụng, thể hiện tín ngưỡng tâm linh văn hóa Việt. Đặc biệt, ở một số nhà cổ trên đảo Lý Sơn mang kiến trúc của Cung Đình Huế. Kiến trúc ngôi nhà cổ ở Lý Sơn cũng rất đặc biệt vì chịu được thời tiết gió bão khắc nghiệt trên đảo. Nhà cổ có giá trị về mặt lịch sử, nên chúng tôi coi đó là một di sản hết sức quý báu của Lý Sơn.

< Nghệ nhân Võ Hiển Đạt bên những bài vị binh phu Hoàng Sa ở Đình làng An Vĩnh.

Bên cạnh hệ thống nhà cổ, các đình làng cổ kính ở Lý Sơn cũng là nơi diễn ra tế lễ đội hùng binh Hoàng Sa của các tộc họ để tri ân công đức tổ tiên càng góp phần tạo nên không gian cổ kính, trang nghiêm trên quê hương Hải đội Hoàng Sa.

Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đang kêu gọi các đơn vị lữ hành trong nước hợp tác với các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn đưa du khách tham quan hệ thống nhà cổ theo mô hình du lịch cộng đồng.

Hy vọng rằng, hệ thống nhà cổ ở Lý Sơn, nơi thể hiện nét độc đáo nét văn hóa của một làng nông chài sẽ được bảo tồn, tôn tạo xứng với giá trị và tầm vóc của nó, để phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu về một dạng văn hóa vật chất, truyền thống của người Việt liên quan đến chủ quyền của đất nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Cổng Thông tin điện tử Quảng Ngãi, Vnexpress và nhiều nguồn ảnh khác.
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply