Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Tràng Đà - cửa ngõ phía Đông của thành phố
(BTQ) - Đứng ở trung tâm thành phố Tuyên Quang nhìn về phía Đông, nơi mặt trời mọc vào mỗi buổi sáng, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dãy núi đá vôi mang tên Yên Lĩnh.
< Xã Tràng Đà nằm ở tả ngạn sông Lô, cửa ngõ phía Đông của thành phố Tuyên Quang.

Địa danh Yên Lĩnh từ xa xưa đã nổi tiếng ở khu vực này. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, địa phận xã Tràng Đà thuộc tổng Yên Lĩnh (Yên Sơn). Sau năm 1945, tổng Yên Lĩnh đổi thành xã Hoàn Long. Năm 1953, xã Hoàn Long tách làm 3 xã: Tân Tiến, Tân Long, Tràng Đà (Yên Sơn). Năm 1968, xã Tràng Đà thuộc huyện Yên Sơn sáp nhập vào thị xã Tuyên Quang, nay là thành phố Tuyên Quang. Hiện xã có diện tích tự nhiên 1.324 ha, dân số trên 5.000 người.

Địa hình xã Tràng Đà chủ yếu là đồi núi và một phần soi bãi. Soi Hồng Lương nằm giữa sông Lô thuộc địa phận xã Tràng Đà. Trước Cách mạng Tháng Tám, soi Hồng Lương là địa điểm các đồng chí cán bộ cách mạng đã gây dựng cơ sở, tổ chức các cuộc họp bí mật của Chi bộ Mỏ Than (Chi bộ Đảng đầu tiên ở trong tỉnh). Đầu năm 1942, tại soi Hồng Lương, 11 quần chúng cách mạng đã bị thực dân Pháp bắt trong đợt bao vây, đàn áp cơ sở cách mạng. Chúng đã tra tấn dã man, 10 quần chúng của ta đã anh dũng hy sinh để lại những tấm gương kiên trung của những người con ưu tú trên quê hương cách mạng. Hiện nay, xã Tràng Đà có 10 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 điểm du lịch tâm linh là các đền Thượng, Cấm, Ghềnh Quýt. Dulichgo

Đền Thượng (còn gọi là đền Sâm Sơn) thuộc xóm 14, xã Tràng Đà, có tên gọi từ thời Hậu Lê, thờ Mẫu Thượng Thiên. Hướng của đền “tựa sơn nghênh thủy”. Căn cứ vào một số hiện vật tại đền như Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743) có thể khẳng định, đền Thượng được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Do nhiều lần trùng tu nên ngôi đền không giữ được dáng vẻ kiến trúc ban đầu, giờ kiến trúc mang dáng dấp của thời Nguyễn. Vẻ đẹp của ngôi đền được ghi trong câu đối “Lô thủy dục anh linh thụy hải ngư long tiếp hóa/Sâm Sơn chung tú khí Tuyên thành thảo mộc phát vinh”. Dịch nghĩa là “Nước sông Lô nuôi dưỡng sự linh thiêng vùng nước ngọc có ngư long vùng vẫy/Núi Sâm Sơn hun đúc nên khí tốt chốn thành Tuyên hoa cỏ tươi tốt”. Tam quan của đền ghi 4 chữ “Giang sơn thụy khí”, dịch nghĩa là “Khí tốt của giang sơn hội tụ về đây”. Giờ đền Thượng là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tế lễ vãn cảnh.

Đền Ghềnh Quýt thuộc xóm 11, xã Tràng Đà, hướng nhìn ra sông Lô oai hùng, được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Tương truyền trước kia nơi đây có một cây quýt cổ thụ, dân địa phương coi là kỳ thụ bèn dựng đền gần cây quýt và lấy tên đền là Ghềnh Quýt. Đền thờ Mẫu Thoải, niên hiệu Khải Định (1924) sắc phong “Sắc phong cho xã Tràng Đà, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang theo lệ trước thờ phụng Ngài... và phong tặng Ngài là Trang ngự Thượng đẳng thần”. Như vậy, căn cứ vào sắc phong có thể khẳng định đền Ghềnh Quýt được xây dựng vào thời Nguyễn, kiến trúc hình chữ Đinh.
Dulichgo
Năm 1950, Văn phòng Bộ Y tế từ Chiêm Hóa chuyển về ở và làm việc tại xã Hoàn Long (nay là xã Tân Long, Yên Sơn). Trong thời gian này, Bộ Y tế quyết định thành lập trạm trung chuyển hàng hóa tại bến đò Ghềnh Quýt. Năm 1952, bên tán cây thị cổ thụ tại đền Ghềnh Quýt, Kho quân nhu 205 - Cục Quân nhu thuộc Tổng cục Hậu cần đã được thành lập.

Kho 205 có nhiệm vụ tiếp vận hàng do nhân dân các địa phương quyên góp chuyển đến, hàng quân trang, quân dụng của các cơ sở, hàng viện trợ nước ngoài để cấp phát phục vụ cho các đơn vị trong chiến dịch Điện Biên Phủ và các cơ quan Trung ương ở căn cứ địa Việt Bắc.

Đền Cấm thuộc xóm 16, xã Tràng Đà là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Đền Cấm khởi nguyên là một cái miếu nhỏ (Sâm Lĩnh miếu). Trước Cách mạng Tháng Tám, người dân đã quyên góp, cúng tiến xây dựng mở rộng đền. Năm 2012, đền Cấm được trùng tu với quy mô lớn, mang lại dáng vẻ khang trang cho ngôi đền như hiện nay. Đền tọa lạc trên địa thế núi đá vôi với nhiều cây cổ thụ, phong cảnh làm say đắm lòng người. Hàng năm, đền Cấm thu hút đông du khách thập phương trong tour du lịch tâm linh thăm các đền ở thành phố Tuyên Quang.

Với cảnh quan sông núi hữu tình, xã Tràng Đà được coi là địa phương có tiềm năng trong phát triển du lịch. Ngoài 3 ngôi đền thiêng trên địa bàn, Thiền Viện Trúc Lâm Chính Pháp cũng đang được xây dựng trên địa phận xóm 15, 16, xã Tràng Đà.

Thành phố Tuyên Quang đã quy hoạch Cổng Trời - Núi Dùm thuộc xã Tràng Đà diện tích trên 300 ha, có tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và mạo hiểm. Nếu xây dựng được hệ thống cáp treo trên các ngọn núi, tiềm năng du lịch của xã Tràng Đà sẽ là trọng điểm du lịch của thành phố Tuyên Quang trong tương lai.

Theo Quang Hòa (Báo Tuyên Quang)
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply