Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Tôi đi săn sương ở Đà Lạt
(TBKTSG) - Đầu tháng 5, Đà Lạt đã vào đầu mùa mưa, buổi sáng trời mù sương khói. Nhưng dân nhiếp ảnh bảo nhau, muốn săn “sương ray” (tia nắng xuyên qua sương dày) và mây luồn, thì phải vào những vùng còn rừng thông...

4 giờ sáng, theo đúng hẹn với Võ Trang - một tay máy ở Đà Lạt, tôi vác chiếc xe máy Sirius cũ thuê được ở nhà nghỉ với giá ngày lễ là 150.000 đồng/ngày, như tên bắn, xuyên màn sương mù đục và giá lạnh chạy về hướng Trại Mát.

Cuộc gặp bên ga xép

Con đường từ Đà Lạt về Trại Mát dài 8km, vẫn còn nhiều đoạn chưa có đèn đường, trời tối mịt và gió núi thổi vi vút. Nhìn qua lớp thông mỏng, thành phố ngoan lành trong chăn mây, những thung lũng nhà kính trồng rau hoa ở vùng ven ánh lên trong màn sương mù đục những đốm đèn vàng ấm như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mà chất liệu chính là những chiếc lồng đèn khổng lồ.

Trại Mát hiện ra trong màn sương mù với vẻ xộc xệch của một thị tứ ven đô với con đường sắt nhỏ và ga xép cổ xưa nhuốm màu hoài niệm (chuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát nay vẫn còn hoạt động dịch vụ du lịch).

Vài hàng quán nhỏ lên đèn sớm. Tôi chọn quán cóc Vĩnh Hưng, nằm sát bên đường ray xe lửa, ngồi đếm cà phê rơi, đợi Trang. Quán sớm, nhưng khách đông. Toàn những khách ăn vận lùi xùi, mặt mày khắc khổ sương gió, chuyện trò với nhau bằng giọng tứ xứ: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Một góc quán, mấy bác xe thồ ngồi túm tụm đánh bài chờ những cuốc xe đầu ngày.

Hỏi ra mới biết từ hơn chục năm nay, đây là quán “chợ lao động” của người dân địa phương. “Chợ lao động” hình thành tự nhiên đáp ứng nhu cầu thuê mướn nhân công làm vườn thường xuyên trong vùng.
Dulichgo
Đang ngồi tán gẫu với mấy nhân công ngồi bàn kế, thì có một nhóm thanh niên lạ tấp xe vào, ai nấy khăn choàng cổ, ba lô, chân máy khềnh khàng, bắt chuyện, mới biết cũng như tôi, nhóm này là những bạn trẻ từ Sài Gòn mê nhiếp ảnh, đang ra ngoại ô tìm rừng thông để “săn sương”.

Tứ chiếng gặp nhau trong quán gỗ nhỏ giữa một thị tứ buồn bã buổi sáng, trong cái lạnh da diết, chúng tôi ngồi san sát và rù rì tám chuyện trên đường. Những câu chuyện không đầu không đuôi. Loa quán mở liu riu một bản Tình khúc không tên của Vũ Thành An. Giọng Vũ Khanh ấm và buồn như không thể buồn hơn: “Một mình đi mãi/Trên đường dài không thấy/Ai người quen tôi đấy/Bao giờ đời sẽ vơi...”

Những cung đường mù sương

Rồi Trang cũng đến với chiếc xe Wave cà tàng mà anh nhắn trước là “nát bét, không thể đèo thêm ai khác” chỉ vì khoảng ba năm nay, sáng nào chàng phóng viên mê nhiếp ảnh ở tờ báo địa phương này cũng rón rén đẩy cửa chuồn khỏi nhà, để khăn gói vào rừng.

Hết mùa mây luồn đến mùa hoa đào, hết mùa nắng lạnh đến mùa sương bạc... mùa nào thức đó, Đà Lạt cứ khiến cho những tay nhiếp ảnh điên cuồng, không yên.
Dulichgo
“Muốn có ray (tia nắng xuyên màn sương) phải tìm chỗ nào còn rừng thông. Có khi phải vào Suối Vàng, Suối Bạc, hồ Tuyền Lâm hay chí ít là ra phía Trại Mát, Cầu Đất... Nói chung mùa nào có cái thú vị của mùa đó. Với mình, nếu không theo phong cảnh hay cái đẹp, cứ nhìn vào những can thiệp tệ hại của con người vào thiên nhiên mà bức xúc, thì sẽ phát điên lên.

Nói theo cách nào đó thì việc chụp và chia sẻ vẻ đẹp của Đà Lạt ngoài việc để giúp mình sống nhẹ nhàng, còn là một cách để chia sẻ, lan tỏa tình yêu cái đẹp, yêu Đà Lạt đến với mọi người. Khổ nỗi, gần đây, khi phong trào chơi ảnh phong cảnh đang lên, có nhiều người xin đi theo dân săn tụi tôi để... thiết kế tour cho những nhóm nhiếp ảnh từ nơi khác đến. Tính toán quá, đâm ra mất vui”, Võ Trang nói.

Đi cùng với Trang hôm nay là ông Đặng Văn An, tuổi ngoài 60. Nghe kể, trước đây ông là Giám đốc Sở Nội Vụ Lâm Đồng. Từ ngày về hưu, ông bỏ mọi thứ để theo đuổi nhiếp ảnh. Cũng như Trang, ông An thường dậy sớm vác máy ra đường, lang thang kiếm tìm những khoảnh khắc mà hơn nửa đời làm một công chức hay lãnh đạo tỉnh, ông chưa kịp sống và trải nghiệm.

Một ông quan chức cấp sở về hưu, một phóng viên chưa vào biên chế báo tỉnh, một doanh nhân... trong đời thường họ có thể không gặp nhau, vậy mà niềm mê say nhiếp ảnh, sự đeo đuổi cái đẹp phong cảnh Đà Lạt đã khiến họ ngồi lại, đồng hành với nhau trong những cuộc hành trình mà đôi khi đích đến chỉ là một con vực mù sương, một thung lũng nhiều mây luồn, một khoảnh khắc ngắm sương tan trên đồi thông.

Trong “xóm nhiếp ảnh phong cảnh Đà Lạt, nếu chịu khó theo dõi qua Facebook, ngoài Võ Trang và Đặng Văn An, còn có những cái tên như Quý Sài Gòn, Trương Ngọc Thụy, Phạm Anh Dũng, Nguyễn Khánh Hoàng... họ sống chan hòa và chia sẻ với nhau như huynh đệ là vậy.

Men theo con đường đất đi vào một khu dân cư nhà vườn, Trang dừng xe và chỉ tay về phía một đám rẫy.
Dulichgo
Chúng tôi bước đi rón rén qua một mảnh vườn khoai tây mới xuống giống. Như những tên trộm, chúng tôi khẽ khàng không để chó sủa đánh thức giấc ngủ của chủ vườn. Từ góc vườn, có thể phóng tầm mắt ra khung cảnh rừng thông trước mặt đang hiện lên trong hừng đông. Mây trắng như những dòng sông bạc huyền ảo vắt qua những con đồi.

Trang và ông An đặt chân máy và bắt đầu những tiếng đánh sập lách tách liên hồi của màn trập máy ảnh, tiếng xuýt xoa vuột thoát lồng ngực khi chớp bắt hụt khoảnh khắc một váng mây thoảng trôi...

Thỉnh thoảng, có tiếng rì rầm chuyện trò, chia sẻ kinh nghiệm nên để tốc độ thế nào, khẩu độ ra sao, chuyện mọi người bàn tán về một bức ảnh nào đó trên Facebook của chuyến săn ảnh hôm qua...

Hình như cái thế giới của những người đeo đuổi vẻ đẹp thiên nhiên đã xa lắm so với cái chộn rộn chật chội toan tính của người Đà Lạt trong những ngày nghỉ lễ đông khách.

Sương ngày càng xa

Vầng mặt trời đỏ từ từ trôi lên trên sườn núi, ánh nắng xuyên qua những tán thông làm sương dưới lũng sâu tỏa lên không gian mù mịt. Tiếng màn trập từ hai chiếc máy ảnh bên cạnh tôi cứ đánh liên hồi, chớp bắt khoảnh khắc đẹp của “ray”. Rồi vội vàng, Trang làm hiệu chuyển địa điểm: “Rút về Cầu Đất!”.

Trên con đường chạy về Cầu Đất (Xuân Trường), còn nhiều đoạn rừng thông đẹp cho chuyến “săn”. Trên đường đi, chúng tôi gặp những nhóm săn sương từ Sài Gòn lên, và cả những nhóm nhiếp ảnh gia địa phương.

Có mấy cô nhân viên văn phòng ở Sài Gòn mê nhiếp ảnh bị “bắt cóc” làm người mẫu bất đắc dĩ cho mấy ông nhiếp ảnh gia nghiệp dư. “Nhưng đây là một cái duyên. Nhờ vậy mà em có nhiều bức ảnh đẹp, nhiều kỷ niệm không phải du khách nào cũng có được”, Thảo, một trong bốn cô gái “người mẫu” nói trước khi nhận ảnh qua Facebook từ những tay máy quen dọc đường.
Dulichgo
“Có con đường mòn này mà bọn mình săn ba năm nay, chưa có bức nào vừa ý”, Võ Trang chia sẻ. Và chúng tôi bước về phía ngọn đồi gần khu nông trại Organik. Sương tan dần. Lúc này đã có thể đóng máy, nằm trên đồi cỏ của rừng thông, bên những bụi hoa sim nở tím, chờ sương tan trước khi trở về thành phố mỗi người mỗi việc.

Vài tiếng nữa thôi, những bức ảnh mới về phong cảnh đẹp của thiên nhiên Đà Lạt bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội, trên các trang báo và diễn đàn của người yêu Đà Lạt như một cách truyền trao tình yêu dành cho một thành phố, dành cho cái đẹp.

Trở về thành phố sau chuyến “săn sương”, tôi cứ day dứt mãi với câu nói buồn buồn của một người chơi ảnh địa phương tình cờ gặp trên đường: “Để có những bức ảnh sương mù, mây giăng và rừng thông thật đẹp, anh biết không, chúng tôi càng ngày càng phải thức dậy sớm hơn, đi xa hơn ra ngoại ô hay vào rừng sâu, vì bước chân đô thị như đang đuổi theo sau, rất nhanh”.

Theo Nguyễn Vinh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply