Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Bản Mông cheo leo bên dòng Nho Quế
(TTO) - Rất nhiều người đã đặt chân tới cung đường Hạnh Phúc để một lần trong đời ngắm sự hùng vĩ của Mã Pì Lèng trên hẻm vực sông Nho Quế. Bên dòng nước xanh thẳm chảy lắt léo qua các mỏm núi cao vút là những nếp nhà của người Mông.

Cuộc sống nơi khuất nẻo giữa cao nguyên đá kỳ vĩ của con người nơi đây đã cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị sau chuyến khám phá dài ngày.

Vẻ đẹp kỳ vĩ của những bản làng Mông ở Giàng Chu Phìn mới chỉ được biết đến trong thời gian gần đây. Không chỉ có địa hình độc đạo, đi lại rất khó khăn mà khí hậu ở đây cũng vô cùng khắc nghiệt. Người dân cho biết vào mùa đông ở đây thường xuyên xuất hiện băng giá dài, nhiệt độ ban ngày lẫn ban đêm nhiều hôm xuống dưới 0°C.

Đặc biệt bất ngờ thú vị với chúng tôi khi ở Tìa Cố Xi, đó là tiết trời mùa thu đang nắng nhưng bỗng có đám mây bay qua, rồi cơn mưa trút xuống đầu ào ào. Những ai không chuẩn bị áo mưa và tìm nơi trú kịp đều bị ướt như chuột lột. Đây là đặc điểm thời tiết xuất hiện thường xuyên và quanh năm ở vùng hẻm vực sông Nho Quế.

Một lần ghé qua Giàng Chu Phìn

Vượt quãng đường Hạnh Phúc gần 200km được ví như Vạn lý trường thành của đồng bào Mông, cuối cùng chúng tôi cũng tới được Mã Pì Lèng. Từ tọa độ quen thuộc của dân phượt và người đi du lịch trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, chúng tôi dần dần phát hiện những nếp nhà đơn sơ bên vách núi. Dulichgo

Mấy cô bé người Mông trên đỉnh đèo nói tiếng Kinh lơ lớ: “Nhà bọn cháu dưới đó, bản Nia Do ạ”. Bản Nia Do của mấy cô bé mà chúng tôi bắt gặp cùng với Tìa Cố Xi, Há Đề, Tìa Chí Đơ, Đề Lảng, Hố Quang Phìn thuộc địa phận xã Giàng Chu Phìn. Đây là một trong bốn xã của Mèo Vạc với địa hình đặc biệt nhất, khuất nẻo nhất. Ở Giàng Chu Phìn người Mông chiếm 100% dân số.

Những bản làng của Giàng Chu Phìn nằm cheo leo trên độ cao 1.200-1.300m, giữa một bên vách núi và một bên là hẻm vực sông Nho Quế hùng vĩ, hiểm trở. Cứ ngỡ đứng từ đỉnh đèo vào một ngày trời trong nhìn thấy các bản thì đường đi sẽ gần. Nhưng chúng tôi đã lầm, bởi mọi người đã phải đánh vật với “con xế” chinh chiến hàng giờ đồng hồ mới tới được với các bản Mông ở đây.

Giàng Chu Phìn cùng với Xín Cái là hai xã giáp với sông Nho Quế. Hay nói đúng hơn hai xã này là chạy dọc sông Nho Quế với những cụm đồng bào Mông sống cheo leo giữa lưng chừng trời. Cái đói, cái nghèo của những bản Mông ở Giàng Chu Phìn khỏi cần nói thì ai cũng biết. Cuộc sống của con người nơi đây dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Có lẽ chính bước chân của những phượt thủ và các đoàn tình nguyện dưới xuôi đã khám phá nơi này.

Từ khi cao nguyên đá được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, khách du lịch khắp nơi đến đây, đồng bào Mông đã được giao lưu với thế giới bên ngoài trong hơi thở cuộc sống mới.

Cứ nhìn những đứa trẻ từ Giàng Chu Phìn theo bố mẹ đi làm nương rồi tranh thủ lên cung đường Hạnh Phúc để xin kẹo, xin tiền, nói chuyện với khách du lịch..., chúng ta sẽ hiểu hết về cuộc sống tăm tối vẫn bám lấy con người nơi đây nặng nề đến mức nào.

Bù lại cái gian khó, Giàng Chu Phìn có khung cảnh sống kỳ vĩ, thơ mộng và hoàn toàn thiên nhiên. Với độ cao trung bình đều trên 1.000m, nên Giàng Chu Phìn có rất nhiều nơi có thể trở thành vọng ngắm hẻm vực sông Nho Quế.

Từ trên các bản Nia Do, Há Dề, Tìa Cố Xi, ta có thể bao quát khu vực hẻm vực sông Nho Quế. Những ngày trời trong có thể nhìn thấy dòng sông Nho Quế xanh biếc phía dưới chân vực sâu thẳm. Đặc biệt, con đường độc đạo vào Tìa Cố Xi là cung đường đẹp nhất và không có nhiều khách du lịch biết đến. Đó là con đường mòn men đỉnh núi, từ đó có thể đứng trên mây mà ngắm nhìn dòng Nho Quế và những con đường uốn lượn trên sườn núi.

Đá, nước và con người

Cuộc sống dựa vào tự nhiên gần như hoàn toàn của các bản Mông ở đây được thể hiện rõ nét trong đời sống. Chúng tôi đã được bác Sùng Mí Lành, trưởng bản Nia Do, mời vào nhà chơi và tình nguyện đưa đi tham quan dân bản. Nhà của người Mông ở Giàng Chu Phìn nói chung, bản Nia Do nói riêng có một kiến trúc rất độc đáo không lẫn vào đâu được. Nhà có tường bằng gỗ, xây thấp, lợp mái fibrôximăng, nền đất.

Nhưng điều chúng tôi ấn tượng nhất chính là những bức tường đá, hàng rào đá bao xung quanh nhà. Giữa cao nguyên đá mênh mông thì tất nhiên đá chính là nguyên vật liệu sẵn có nhất. Người Mông đã sớm biết mang đá về xếp quanh ngôi nhà mình nhằm làm tăng thêm phần chắc chắn. Ngoài ra đá cũng được xếp làm tường vây bao quanh một mảnh vườn nho nhỏ, hoặc đơn giản chỉ là xếp dọc hai bên con đường mòn dẫn vào ngôi nhà.

Bác Lành tâm sự: “Dân chúng tôi ở đây khó khăn lắm, làm gì có nguyên vật liệu để xây nhà như dưới xuôi. Các chàng trai, cô gái đến tuổi dựng vợ gả chồng lại cùng gia đình xẻ gỗ vác đá về làm nhà. Tuy xếp chồng lên nhau, nhưng những bức tường bao bằng đá của chúng tôi giúp ngôi nhà vô cùng chắc chắn. Đồng thời tường đá cũng giúp đồng bào ngăn thú dữ phá hoại mùa màng, hoa màu”. Dulichgo

Cuộc sống của các bản Mông ở Giàng Chu Phìn vẫn còn rất nhiều cái không: không điện, không đường, không trạm y tế. Nhưng có một thứ thiết thực nhất với người dân là nguồn nước sinh hoạt cũng không có.

Nằm ở độ cao cheo leo trên 1.000m ấy, người ta không thể đào giếng, khoan giếng. Chính vì thế sông Nho Quế trong xanh dưới đáy vực chính là cứu tinh của con người nơi đây. Vào mùa hè, cả cao nguyên đá nắng cháy như một hỏa diệm sơn khổng lồ. Nguồn nước sinh hoạt của con người lúc này vô cùng khó khăn, hoàn toàn dựa vào hệ sống sông suối tự nhiên.
Chính vì thế dòng sông Nho Quế trở thành nơi lũ trẻ Mông tắm mát, các cô gái, bà lão giặt quần áo, và mọi người thay nhau gánh nước Nho Quế về sinh hoạt...

Do khó khăn về địa hình, nguồn nước cùng điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, đồng bào Mông ở Giàng Chu Phìn chỉ canh tác được ngô trên những sườn núi cao. Ngô vẫn là lương thực chính trong bữa ăn của người Mông ở những bản khó khăn. Như vậy, hai vẻ đẹp đặc trưng nhất của cao nguyên đá Đồng Văn ở huyện Mèo Vạc là hệ thống núi đá và dòng sông Nho Quế đã trở thành chất liệu, nguyên liệu tự nhiên cho cuộc sống của đồng bào Mông.

Còn nghèo khó, gian lao lắm, nhưng sự mến khách của đồng bào Mông như bác Lành, anh Sùng Mí Thào... dành cho chúng tôi là hết sức chân thành. Họ có thể đưa chúng tôi đi thăm cảnh sắc nơi đây cả ngày, sẵn sàng nhường đồ ăn và chỗ ngủ...

Trong hơi rượu mèn mén ngà ngà, thứ rượu huyền thoại của người Mông chưng cất thủ công từ ngô ở nhà bác Lành, những câu chuyện về cuộc sống còn vô vàn khó khăn của đồng bào Mông bên cạnh di sản hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc dần ngấm vào đầu chúng tôi. Mãi mãi giữ được một cao nguyên đá hùng vĩ cùng một Mã Pì Lèng kiêu hãnh.

Đồng thời giúp cuộc sống của đồng bào Mông ở đây bớt khổ, bớt thiếu thốn chính là mong ước lớn nhất của chúng tôi hay những ai từng lặn lội đặt chân tới nơi này.

Theo Hải Dương, Thái Sơn (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply