Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Chùa Ông Mẹt - Trà Vinh
Tỉnh Trà Vinh có hơn 140 ngôi chùa Khmer Nam Bộ. Chùa Ông Mẹt là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất nơi đây.

Tọa lạc ngay trung tâm TP Trà Vinh, trên đường Lê Lợi, chùa Ông Mẹt là tên gọi theo người Việt. Tên chính theo tiếng Khmer của chùa là Bodhisálaràja, còn có tên gọi khác là Kompong. Cũng như các ngôi chùa Khmer khác, chùa ông Mẹt thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Đây là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer, nơi đồng bào dân tộc nầy "sống gởi của, thác gởi xương". Chùa còn là nơi đặt Trường Trung cấp Phật học Nam tông Khmer Nam Bộ.
Ngày 3-3-2009, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định công nhận chùa Ông Mẹt là di tích cấp quốc gia. Đây là ngôi chùa cổ. Theo truyền kể dân gian, chùa Ông Mẹt được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh Trà Vinh bây giờ. Đó là khu đất giồng cao ráo, thoáng mát.

Theo tín ngưỡng Phật giáo Khmer, thờ ba vị thần: thần Cây, thần Nước và thần Lửa. Nơi nào càng có nhiều cây cổ thụ, nơi đó càng có nhiều thần ngự. Do đó, khi xây chùa, người Khmer thường chọn nơi có cây cao bóng mát; đồng thời, trồng thêm nhiều cây, vừa vâng lời Phật dạy vừa tạo phước đức cho phum sóc... Đến khoảng năm 711, chùa mới dời về vị trí hiện nay. Tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 13.000m2, qua thời gian dài, chánh điện xuống cấp, được trùng tu vào những năm đầu thế kỷ 20, nhưng vẫn giữ được giá trị nghệ thuật kiến trúc tâm linh Khmer. Dulichgo

Cũng như các ngôi chùa Khmer khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, chánh điện chùa Ông Mẹt được xây theo hướng Đông trên nền tam cấp. Cấp một bằng đá, cao 1,35 mét có hàng rào bao quanh. Trên đầu các cột rào trang trí đầu thần bốn mặt Bhramma. Cấp hai xây gạch đại, cao 0,7 mét. Bốn góc phía trong rào là các dạng tháp Kote, là loại hòm ngày xưa được đục đẽo từ thân cây to. Phía trước hướng Đông, và phía sau hướng Tây là cửa ra vào.

Chánh điện có ba lớp ngói hình chóp. Mái trên cùng dốc hơn hai mái dưới. Các góc đầu đao của mái đều có đuôi rồng cao vút uốn lượn, tượng trưng thần Rắn Nagar. Giữa các cấp mái có rèm che nắng, mưa bằng gỗ, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Hành lang bao quanh chánh điện, trên các đầu cột đều trang trí tượng Keyno, riêng cột ở các góc thì trang trí tượng Krud có dáng vẻ khỏe khoắn, oai vệ, chống đỡ mái ngói nhưng lại nhẹ nhàng, thanh thoát. Tất cả vừa mang tính tôn nghiêm vừa tăng vẻ đẹp cho chùa.

Bên dưới mái, nơi tiếp giáp các cột đều có tượng vũ nữ dang tay chống đỡ mái ngói. Cột, kèo, xiên, đòn tay, trần chánh điện... đều bằng gỗ quý được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ, sơn son thếp vàng với nhiều đề tài khác nhau. Hai bên vách chánh điện là các tranh minh họa theo Phật tích. Trong chánh điện, hướng tây là một bệ thờ lớn. Giữa bệ là tượng Preaschi ngồi thiền trên tòa sen cùng một số tượng Phật khác bao quanh, gồm: Phật đắc đạo, Phật khất thực, Phật thuyết pháp, Phật nhập Niết bàn... Dulichgo

Giữa chánh điện là nơi thờ duy nhất tượng Phật Thích Ca. Trước bàn thờ là hai pháp tọa dành cho các vị cao tăng thuyết pháp những khi chùa tổ chức đại lễ. Cặp pháp tọa nầy thiết kế theo hình tượng Reachsây (vua sư tử) bằng gỗ quý, rất đẹp, có trên 100 năm tuổi.

Đáng chú ý là chùa Ông Mẹt có một thư viện, được xây dựng vào năm 1916. Thư viện bằng gỗ theo kiểu nhà sàn, quay mặt về hướng Đông, hai đầu đều có cầu thang lên xuống. Bên trong thư viện là công trình nghệ thuật chạm khắc được sơn son thếp vàng. Thư viện gồm ba gian: gian chính trưng bày sách, hai gian phụ là nơi đọc sách. Sàn được làm bằng gỗ quý. Các đầu cột và xiên bên trong thư viện được chạm khắc hoa văn cầu kỳ, sơn son thếp vàng cẩn trọng. Đầu hồi phía Tây chạm khắc hoa hướng dương. Đầu hồi phía Đông chạm hình hai mãnh sư cầm dù che mâm kinh sách. Đặc biệt, giữa thư viện là bức bình phong gỗ, là tác phẩm mỹ thuật độc đáo, xưa nay hiếm.

Đến TP Trà Vinh là đến với rừng cây xanh mướt mát. Chùa Ông Mẹt tọa lạc trong bóng mát thâm trầm đó, là nơi tôn nghiêm, cổ kính mà du khách đến "thành phố rừng cây xanh" thường đến bái viếng.

Theo Phương Kiều (Báo Cà Mau)
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply