Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Tuyệt mỹ dòng Nho Quế
Khi đến Hà Giang, một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất chính là sông Nho Quế: con sông nổi tiếng dưới chân đèo Mã Pì Lèng huyền thoại. Với những ai ưa mạo hiểm, thích cảm giác mạnh khi chinh phục đỉnh Mã Pì Lèng thì hành trình dọc sông Nho Quế cũng sẽ là một lựa chọn đầy thú vị.

Sông Nho Quế  có phần thượng lưu ở Trung Quốc gọi là sông Phổ Mai, là một con sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn, Vân Nam, Trung Quốc, cao 1.500m, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, xẻ qua cao nguyên Đồng Văn, qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc địa phận tỉnh Hà Giang để nhập vào sông Gâm tại Na Nát thuộc xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Là chi lưu phía tả ngạn của sông Gâm, sông Nho Quế dài 192km (phần ở Việt Nam là 46km), diện tích lưu vực 6.052 km² (phần ở Việt Nam 2.010km²), độ cao trung bình 1.255m, độ dốc trung bình 18,7%.

Thung lũng dạng hẻm vực, tổng lượng nước bình quân nhiều năm khoảng 2,69 km³ tương ứng với lưu lượng nước bình quân năm là 85 m³/s và module dòng chảy năm là 15,8 l/s/km². Dulichgo

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại Lũng Cú, một đoạn là ranh giới giữa hai nước. Khi đến gần Đồng Văn thì chảy hẳn vào nội địa Việt Nam, qua hẻm núi Tu Sản rồi chảy dọc theo đèo Mã Pì Lèng. Vào địa phận Mèo Vạc thì sông Nho Quế tách ra chảy theo hướng đông - đông nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm. Ngoài ra, ở giáp ranh tỉnh Cao Bằng, sông Nho Quế có một chi lưu đổ vào là sông Nhiệm.

Truyền thuyết kể rằng: xưa kia quả núi vẫn còn vẹn nguyên, nước chảy từ trên núi xuống bị ứ lại bên kia quả núi, nước ứ lại nhiều lắm. Bên này thì chưa có sông, đất đá nứt nẻ khô cằn, cây cối trơ trụi. Một hôm thần Sông đề nghị thần Núi nằm dịch sang một bên để nước sông chảy qua tưới mát cho dãy núi khô hạn nhưng thần Núi giả vờ không nghe cứ nằm ì một chỗ. Thần Sông bèn tâu lên Ngọc Hoàng, người ra lệnh cho thần Núi nằm dịch sang nhưng Thần Núi vẫn giả vờ ngủ, từ đông sang hè, từ hè sang đông.

Vào một đêm mưa gió, sấm sét thi nhau rạch cắt màn đêm, bỗng có một tiếng nổ làm rung chuyển cả đất trời, ánh sáng chói lòa, Thần Sét rút lưỡi gươm lên chém một nhát khiến Thần Núi vỡ ra làm đôi. Nước bị ứ lại lâu ngày xối ra ào ào, nước chảy thành dòng lớn, nước chảy thành sông. Nước đi đến đâu cây cỏ xanh tốt đến đấy, chỉ qua một đêm mà những sườn núi khô hạn đã mướt màu xanh. Nước cứ đi, đi mãi, thành dòng sông Nho Quế ngày nay xẻ qua đá núi sừng sững, chia cắt một bên là Mã Pì Lèng, một bên là dãy Săm Pun (nghĩa là sấm sét và gió). Dulichgo

Để khám phá trọn vẹn dòng sông Nho Quế, bạn có thể đi xe máy theo lối mòn của dân tại nơi ấy trên sườn núi chạy song song với dòng sông phía dưới. Nhiều đoạn phải đi đường vòng vì vực sâu, núi cao chia cắt. Đường hẹp, chênh vênh, nham nhở đá tai mèo mà mỗi lần thả dốc, ôm cua cũng phải khiến cho những tay lái vững vàng bậc nhất cũng phải nín thở khi thấy bên dưới là vực sâu thăm thẳm.

Vượt qua những khúc cua nghiêng ngả, leo qua hàng loạt ghềnh đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn như bãi chông, bạn có thể đặt chân đến bờ hẻm vực sông Nho Quế.

Hai bên là vách núi dựng đứng cao vút tạo thành một khe núi vừa sâu vừa hẹp, tiếng rì rầm của con sông Nho Quế chảy dưới chân đem đến một cảm giác khó tả, vừa hân hoan vui sướng vừa đắm mình trong không gian bao la của đá núi mây trời.

Dọc theo dòng sông Nho Quế, có những đoạn chảy qua nhiều tầng lớp đá tai mèo sắc nhọn, hình thành vô số ghềnh thác trắng xóa giữa thung lũng. Vô số các khúc quanh, bãi đá lố nhố trên mặt nước, cuộn xoáy, rền rĩ như một bầy ngựa nước kỳ dị hung hăng (những đoạn sông này đã xây dựng các nhà máy thủy điện Nho Quế 1, 2, 3).

Sông Nho Quế không thiếu những đoạn ghềnh đá nhưng khi chảy qua cầu Tràng Hương - đoạn sông chảy qua khe núi Tu Sản và đèo Mã Pì Lèng thì dòng chảy lại êm đềm, quanh co ven chân núi như dải tóc mây dài bất tận của người thiếu nữ và trở thành nguồn sống của người Mông, người Giáy hai bờ.

Đoạn này được xem là có cảnh sắc ngoạn mục và nên thơ nhất. Nước sông xanh một màu xanh ngọc đẹp đến huyền hoặc, làm mê đắm lòng người. Màu xanh ngọc của nước sông hòa với màu xanh của rừng núi, tạo nên bức tranh Hà Giang đẹp đến lạ kỳ.

Nhìn từ đỉnh Mã Pí Lèng, sông Nho Quế như một dòng mực thiên thanh đang cần mẫn khắc tên mình vào trang sử đá. Dòng sông vẫn được người địa phương coi như điều bí ẩn của đất trời giữa bạt ngàn núi đá và trở thành một biểu tượng không thể thiếu của Hà Giang, mảnh đất cao nguyên đá nơi địa đầu Tổ quốc.

Du lịch, GO! tổng hợp, ảnh internet
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply