Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Ăn bánh bìa đêm phố cổ Đồng Văn
Đêm Đồng Văn cuối thu chưa lạnh căm nhưng cũng đủ làm run run chiếc khăn len choàng hờ trước ngực, tôi lang thang trên con phố cổ trước chợ cũ Đồng Văn, lòng chẳng mong tìm được điều gì lạ lẫm bởi phố núi đơn sơ này vốn nghèo nàn thứ chơi, thứ ăn buổi tối.

Ấy vậy mà lần này tôi đã gặp may khi nhìn thấy khay bánh màu đỏ cam rực rỡ đặt trước mặt khu chợ cũ. “Một món bánh đặc biệt của người dân nơi đây chăng?”, tôi tự nhủ khi sà vào hàng bánh bên cạnh bếp than hồng rực đang tí tách.

Không chỉ riêng tôi, tất cả du khách đi ngang qua đều ghé lại hỏi một câu “Bánh gì đây?”. Và tôi trở thành người giới thiệu bất đắc dĩ khi chị bán hàng còn đang luôn chân luôn tay. “Bánh bìa, bìa các tông ấy”, tôi giải thích với những vị khách còn đang nhíu mày tưởng mình nghe nhầm. Cái tên mộc mạc chẳng ăn nhập gì với miếng bánh màu đỏ cam bắt mắt, lấm tấm những hạt vừng trắng duyên dáng được xắt miếng hình thoi trong khay. Ấy là màu của trái gấc, “hôm nay bổ trái gấc nếp nên màu đẹp và tươi hơn mọi ngày”, chị bán hàng tên Hương vui vẻ nói. Dulichgo

Thoạt nhìn, thứ bánh này na ná món bánh gấc của Hà Nội. Nhưng dẫu là công thức ấy, thì món ăn nào trên vùng núi đá trập trùng này cũng đặc biệt hơn ở miền xuôi. Cũng là gạo nếp, nhưng gạo nếp nương ở đây được người dân gặt từng bông, tuốt bằng tay, nắng gió vùng cao khiến sự dẻo thơm chẳng nơi nào sánh được.

Chị Hương kể bánh bìa của chị được làm từ thứ gạo nếp hạt tròn, mua 30 nghìn hai bơ ở chợ phiên Đồng Văn. Gạo được xay thành bột khi ướt, sau đó ngâm nước và lọc thêm một lần cho mịn. Trái gấc đỏ nhất, thơm nhất được bổ ra, nhào cùng bột thành hỗn hợp dẻo mượt, dàn trong khay, rắc vừng trắng và hấp trên lửa nhỏ.

Miếng bánh bìa tôi đang ăn vừa được nhấc xuống từ nồi hấp cách đây một tiếng, đủ nguội để xắt nhỏ mà không dính. Mềm mượt, thơm thơm, thanh khiết…đó là những cảm nhận ngay khi cắn miếng đầu tiên. Nhón bằng tay, nên cái dẻo mướt của bột gạo lan truyền cả trên xúc giác. Gạo nếp vùng cao có khác, tôi bất giác nghĩ phiên chợ ngày mai phải đi tìm cho được thứ nếp hạt tròn tuyệt diệu này. Dulichgo

“Ăn thế này vẫn chưa đúng cách đâu”, chị bán hàng thấy tôi thích nhú nhấm từng miếng bánh thì bảo, “người trên này hay làm bánh bìa vào tết. Trời lạnh, bánh làm xong mấy ngày là cứng lại. Khi đó nó sẽ được nướng trên than cho phồng lên, mặt ngoài vàng ruộm mà bên trong vẫn dẻo thơm”.

Hóa ra là vậy, đây vốn là kiểu ăn truyền thống của người Mông, người Tày ở xứ sở này. “Mùa đông ở đây lạnh lắm. Cứ nhóm bếp than lên, cả nhà quây quần xung quanh nướng đồ ăn: thịt trâu bò khô, bánh dày, bánh bìa, bánh ngô…cứ tí tách vừa ấm bụng vừa ấm lòng”, chị Hương nói.

Chưa đến tết, nên tôi đành tạm bằng lòng với miếng bánh bìa mới hấp ở trên tay, mơ đến một cái tết nào đó ở Đồng Văn, ngồi nướng bánh bên bếp than hồng đượm, để hương thơm lặn vào từng ngón tay thơm nức cả mùa xuân.

Theo Tịnh Tâm (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply