Label-1

Phượt

Teen tự sướng

Lục Nà: Ngôi đình chốn biên cương
(DVO) - Đình Lục Nà - ngôi đình duy nhất của huyện vùng biên Bình Liêu thuộc tỉnh Quảng Ninh, có lịch sử hình thành lâu đời từ thời Hậu Lê.

Đình thờ Thành hoàng làng - cũng là vị tướng anh hùng người dân tộc Tày Hoàng Cần. Đình còn gắn với sự tích “cây tre mọc ngược” được dân gian lưu truyền để ngợi ca công lao các vị tướng lĩnh trấn giữ nơi biên ải. Đây được cho là địa thế đẹp “tả thanh long, hữu bạch hổ” để xây dựng đình, đền.

Theo truyền thuyết lưu truyền rằng xưa kia chốn biên ải là mảnh đất mà các thế lực ngoại xâm luôn lăm le xâm lược bờ cõi nước ta, những cuộc giao tranh gây ra nhiều đau thương cho nhân dân.

< Gian thờ tự chính của đình Lục Nà được phục dựng, kiến trúc giống với những ngôi nhà sàn của đồng bào ở đây.

Ở ngôi làng của đồng bào dân tộc Tày thuộc đất Bình Liêu xưa (mà ngày nay người dân cho rằng đó là bản Lục Nà) có chàng trai khỏe mạnh, dũng cảm, căm phẫn tội ác của giặc ngoại bang khi tàn sát dân thường, đã đứng ra tập hợp trai tráng trong vùng đứng lên khởi nghĩa, ngày đêm miệt mài luyện tập để chiến đấu với kẻ thù xâm lược.

Dưới sự chỉ huy của vị tướng Hoàng Cần tả xung hữu đột chỉ gậy tre trong tay đã cùng với đội quân của mình đánh cho quân giặc tan tác, số còn lại hoang mang tháo chạy.

< Bia đá giới thiệu về Đình Lục Nà.

Chốn biên thùy trở lại bình yên, giặc ngoại bang không dám ngoảnh đầu lại, vị tướng áo vải trở về quê cũ, từ trên lưng ngựa nhảy xuống, ông cắm cây gậy tre đã theo ông ra chiến trận xuống mảnh đất nơi con ngựa dừng lại trước nhà. Sau bao năm tháng, cây gậy vẫn ở nguyên chỗ đó. Nhưng lạ kỳ thay, sau khi ông mất, từ cây gậy cành lá bỗng đâm chồi nảy lộc với những cành tre chĩa xuống đất, thành cây tre mọc ngược. Từ đó có tích “cây tre mọc ngược” gắn với chiến tích tướng Hoàng Cần.

Sau khi ông mất nhân dân Bình Liêu thương tiếc và tưởng nhớ công lao đã suy tôn ông là Thành hoàng làng và dựng đình thờ tại quê nhà là thôn Lục Nà ngày nay, theo tên làng nơi ông sinh ra và trở về sống những năm cuối đời. Với những công lao dẹp yên bờ cõi trốn biên cương, ông được triều đình phong kiến thời bấy giờ phong là “Khâm sai Đông đạo tiết chế”. Dulichgo

< Lễ hội Đình Lục Nà diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, sinh động.

Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia đình Lục Nà là một trong những đình làng có quy mô rộng nhất trong vùng. Đình có kết cấu vững chắc và to đẹp với 5 gian, những cột chống nhà bằng gỗ rộng cỡ 50cm, lợp mái ngói âm dương xếp hình vảy cá, màu thâm nâu âm trầm. Kết cấu Đình mang dáng dấp của những ngôi nhà sàn núi rừng miền biên ải  giống với những  nhà sàn của đồng bào các dân tộc vùng cao Bình Liêu bây giờ.

Không chỉ gắn với những chiến tích thời triều đại phong kiến xưa kia mà đình Lục Nà còn mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Thời kỳ CMT8 năm 1945 đây là nơi diễn ra cuộc mít tinh lịch sử do Mặt trận Việt Minh tổ chức để tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng Lâm thời huyện Bình Liêu. Cũng tại đây Uỷ ban Hành chính huyện Bình Liêu (tồ chức tiền thân của UBND Huyện) và Vệ quốc đoàn Bình Liêu được  thành lập.

< Đông đảo nhân dân các dân tộc dâng hương trong ngày lễ hội Đình Lục Nà.

Sau đó, Đình cũng là nơi để dạy bình dân học vụ, là trường học của xã vùng cao. Nhưng trải qua những biến thiên của thời cuộc vào những năm 60 của thế kỷ trước đình Lục Nà bị phá hủy. Đến năm 2006 Đình Lục Nà được các cấp chính quyền cùng với nhân dân phục dựng trên nền ngôi đình năm xưa.

Ngôi đình mới được phục chế có kiến trúc ba gian hai chái, bằng gỗ có kết cấu giống với nếp nhà sàn xưa, cổng đình là tứ trụ xây bằng cột gạch mang dáng dấp giống các cổng đình của vùng Bắc Bộ, chính giữa là sân gạch bát phục chế, nội thất thờ tự, đằng sau gian thờ chính là nhà quản lý di tích và các công trình phụ trợ… Dulichgo

Hàng năm, tại đây tổ chức hội Đình vào tháng Giêng với phần Lễ và phần Hội, có nghi lễ rước sắc phong bài vị thần Thành hoàng làng Hoàng Cần và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc : Đẩy gậy, đánh quay, bắn nỏ, trình diễn trang phục dân tộc…

Những nét kiến trúc, cùng nét sinh hoạt văn hoá dân gian tại Đình được lưu giữ, bảo tồn không chỉ làm nơi tưởng nhớ người có công bảo vệ bình yên bờ cõi nước nhà mà còn là nơi gắn kết các dân tộc anh em ở vùng cao, góp phần bảo tồn di sản, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, ghi dấu và lưu giữ truyền thống đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm ở nơi biên cương miền Đông Bắc Tổ quốc.

Theo Luyện Bùi (Dân Việt)
Du lịch, GO!
«
Next

Newer Post

»
Previous

Older Post


No comments:

Leave a Reply